Theo Nam Kỳ Địa Phận (năm thứ sáu 1913-1914), bộ Sách Gẫm quanh năm, đã in lần đầu
tiên tại nhà Nadaret, bên cù lao Hồng Công, trót pho là năm cuốn, in ba năm mới
xong (1898-1900).
NỘI DUNG
Đúng như nhan đề, Sách Gẫm quanh năm là một bộ những suy niệm về đạo lý Kitô giáo
nhằm trước hết giúp mọi người nhận biết sự trọn lành của Chúa và sau giúp ai nấy
biết mình là ai, cùng các nết xấu, hầu yêu mến Chúa cách toàn vẹn hơn.
Những điều phải gẫm thì được chia như sau: Ngày
Chúa Nhật cùng ngày thứ Hai gẫm về bài Tin Mừng Chúa Nhật. Ngày thứ Ba gẫm về
những lẽ chân thật đời sau. Ngày thứ Tư gẫm về mầu nhiệm Ngôi Hai ra đời làm
người. Ngày thứ Năm gẫm về phép Mình Thánh Chúa. Ngày thứ Sáu gẫm về sự Thương
khó Đức Chúa Giêsu. Ngày thứ Bảy gẫm về Đức Maria.
Sách Gẫm Quanh Năm được chia thành 5 quyển:
§ Quyển thứ I: TỪ CHÚA
NHỰT THỨ I MÙA APVENTỒ CHO ĐẾN CHÚA NHỰT VÀO SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊGIU.
§ Quyển thứ II: TỪ CHÚA
NHỰT BẢY MƯƠI CHO ĐẾN LỄ ĐỨC CHÚA GIÊGIU THĂNG THIÊN.
§ Quyển thứ III: TỪ LỄ ĐỨC
CHÚA GIÊGIU THĂNG THIÊN CHO ĐẾN CHÚA NHỰT THỨ XII SAU LỄ HIỆN XUỐNG.
§ Quyển thứ IV: TỪ CHÚA
NHỰT THỨ XII SAU LỄ HIỆN XUỐNG CHO ĐẾN CHÚA NHỰT THỨ I MÙA ÁP LỄ SINH NHỰT.
§ Quyển thứ V: VỀ MỘT ÍT
NGÀY LỄ THÁNH TRONG NĂM.
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ PHAOLÔ QUI
Cha Phaolô Qui, tên đầy đủ là Phaolô Nguyễn Văn Qui,
sinh tại Đầu Nước năm 1855. Ngài là con thứ 5 trong một gia đình có 7 người
con, 5 trai, 2 gái... Cha ngài là Joakim Vân, làm nghề thầy thuốc, mẹ là Maria
Giàu. Cậu ruột của ngài là cha Philipphê Phiên từng coi sóc bổn đạo tại Định Tường
(nay kêu là Mỹ Tho).
Năm 1870, khi mới 15 tuổi, đáp lại tiếng tiếng Chúa
gọi, Phaolô Qui đã xin cha sở - khi ấy là cha Lũy (Lizé), đi tu ở Nhà trường
Latinh. Ngài siêng năng lo việc học hành và ân cần tập luyện nhân đức. Ngày 10
tháng 6 năm 1876, nhằm ngày lễ Chúa Ba Ngôi, ngài đã lãnh tu phục. Ngày 22
tháng 5 năm 1880, Phaolô phú mình làm tôi Chúa trọn đời, lãnh chức thứ năm.
Ngày 12 tháng 6 năm sau, ngài lãnh tác vụ Phó tế. Dù luật trong Địa Phận thời bấy
giờ buộc phải đúng 30 tuổi mới được thụ chức linh mục (chánh tế), nhưng Phaolô
Qui được Bề trên gọi lãnh chức linh mục ngày 30 tháng 11 năm 1882, nhằm lễ
thánh An-rê tông đồ, khi ngài mới 27 tuổi.
Ngài đã dành cả đời linh mục của mình để làm sáng
danh Chúa và mưu ích cho linh hồn tha nhân qua việc coi xứ, giảng dạy và viết
sách. Cha là một thầy giảng chứ danh, là bậc thầy về đường tâm linh. Cha Phaolô
Qui dạy ở nhà trường Latinh Sài Gòn hơn 25 năm trước khi ra coi họ đạo Chí Hòa
và họ đạo Gia Định vì bệnh tật. Ngày mồng 1 tháng 8 năm 1914, sau 32 năm phục vụ
trong chức thầy cả, cha Phaolô Qui qua đời. Thánh lễ an táng do Đức Cha địa phận
cử hành, cùng đông đảo quí cha, các thầy dòng, các sơ và các tín hữu, ngày mồng
4 tháng 8. Linh cữu cha được chôn cất tại đất thánh Chí Hòa.
CÁC TÁC PHẨM
Cha Phaolô Qui đã để lại một bộ sưu tập đồ sộ các
tác phẩm của mình. Các sách cha viết đã được in tại nhiều nhà in trong nước
cũng như hải ngoại.
Các tác phẩm đã được in tại Nhà in Tân Định như: Tu sĩ tùy thân (1889); Evang ông thánh Gioang, Evang ông thánh Luca và sách Tóm lại đàng nhơn đức trọn lành (năm
1901); Sách Thánh Giáo yếu lý tam giải
(1904); Sách giảng về Thiên đàng
(1906); Sách dạy về sự tôn kính Rất
thánh Nữ Đồng trinh Maria (1907); Ca
ngợi ĐC Bà, ông thánh Giude và ngày Rước lễ vỡ lòng (1912); Ca ngợi Rất thánh Trái Tim ĐCG
(1913).
Năm 1914, ngài in Sách giảng về Thiên Thần tại Làng Sông, Qui Nhơn.
Một số sách được in tại Nhà in Nadarét, Hồng Kông
như: Sách Gẫm quanh năm (từ
1898-1900); Hạnh ông thánh Luy Gôndaga
(1901); Sách giảng về Phép Mình Thánh Chúa
(1902); Giảng về Địa ngục
(1903); Hạnh bà có lộc Magarita Maria
(1903); Hạnh ông thánh Stanislao Koska
(1905); Hạnh ông thánh Gioang
Bêrêmang (1909).